Theo Straits Times, thỏa thuận được đưa ra sau khi quan chức hai bên tổ chức các cuộc đàm phán “thẳng thắn và mang tính xây dựng” về vấn đề Biển Đông tại thủ đô Manila, Philippines vào ngày 2/7. Cuộc gặp do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông và người đồng cấp Philippines Theresa Lazaro chủ trì.

Căng thẳng hàng hải giữa hai bên tăng cao trong năm qua, với mâu thuẫn liên quan đến việc Philippines tiếp tế đến khu vực bãi Cỏ Mây cho một tàu chiến cũ có tên BRP Siera Madre. Tàu này neo đậu ở khu vực từ năm 1999.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông tại Manila vào ngày 2/7.

Sự leo thang mới nhất xảy ra khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc và đụng độ tàu hải quân Philippines vào ngày 17/6.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đưa ra các quy định có hiệu lực vào ngày 15/6, cho phép lực lượng hải cảnh nước này bắt giữ những người nước ngoài xâm phạm vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình.

Hôm 2/7, Philippines cho biết “cả hai bên đều nhận thấy cần phải khôi phục lòng tin, xây dựng lại niềm tin và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và tương tác hiệu quả”.

Tuyên bố của Philippines nói “hai bên đã thảo luận về lập trường tương ứng của mình" liên quan đến bãi Cỏ Mây, cũng như "khẳng định cam kết giảm căng thẳng mà không ảnh hưởng đến lập trường tương ứng của mỗi bên”.

Cuộc đàm phán ngày 2/7, được gọi là Cuộc họp lần thứ chín của Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông, là cơ chế đối thoại bắt đầu từ năm 2017. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý với Tổng thống Philippines khi đó là Rodrigo Duterte để thiết lập cơ chế này năm 2016. Cuộc gặp gần đây nhất trong khuôn khổ các cuộc tham vấn song phương này được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 17/1.

Cả hai bên cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về hợp tác hàng hải, chẳng hạn như giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, và một diễn đàn học thuật giữa các nhà khoa học và học giả về hợp tác khoa học và công nghệ biển.

Họ cũng nhất trí tổ chức cuộc đàm phán song phương lần thứ 10 tại Trung Quốc, mặc dù không đề cập ngày cụ thể.

Trong khi các nhà phân tích hoan nghênh những tín hiệu tích cực về hòa bình, có rất ít dấu hiệu cho thấy cả hai bên sẵn sàng rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình.

Tiến sĩ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore hoan nghênh cuộc đối thoại, nói với ST rằng nó phù hợp với chiến lược minh bạch của Philippines và cũng mang lại lợi ích cho Bắc Kinh “vì họ không muốn bị coi là kẻ xấu”.

Chuyên gia Koh nói thêm: “Câu hỏi của tôi là làm thế nào để thực sự giảm bớt căng thẳng và quản lý tình hình nếu cả hai bên, dựa trên tuyên bố, rõ ràng vẫn có những khác biệt?"

Ông cho rằng cuộc đàm phán "ngụ ý Trung Quốc sẽ không quay trở lại tuần tra khu vực. Về phía Philippines, nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên sẽ tiếp tục”.

Phương Anh (Nguồn: Straits Times )